Bài toán nhân sự trên toàn hệ thống khách sạn Mường Thanh
Bài toán nhân sự trên toàn hệ thống khách sạn Mường Thanh
28/09/2015
18 năm phát triển với hệ thống gần 50 khách sạn tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi Tập đoàn phải có nguồn nhân lực vừa giỏi chuyên môn, vừa thành thạo kỹ năng mềm.


Xây dựng đội ngũ nhân viên đạt chuẩn cho một khách sạn 3-5 sao đã khó, Mường Thanh còn phải tìm và đáp ứng cho chuỗi gần 50 cơ sở trải dọc đất nước, trong đó đa phần là khách sạn 4 và 5 sao. Đây là bài toán không dễ nhưng đã có lời giải khi Tập đoàn khách sạn chủ trương tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực ngay tại địa phương.

Vấn đề đặt ra là lực lượng lao động này chưa được đào tạo chuẩn về nghiệp vụ khách sạn, du lịch. Do đó, tập đoàn quyết định sử dụng phương pháp gối đầu để nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên.

Bước đầu, Mường Thanh phối hợp cùng dự án “Nâng cao nguồn năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU), triển khai 11 khóa tập huấn cho gần 300 cán bộ chủ chốt. Sau khi được đào tạo theo bộ tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (gọi tắt là VTOS), họ trở thành các giảng viên nội bộ và đào tạo nhân viên tại cơ sở của mình. Các vị trí từ lễ tân, nhân viên buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn đến giám sát, quản lý khách sạn đều được tập huấn theo đúng tiêu chuẩn nghề và văn hóa đặc trưng vùng miền.

Tập đoàn cũng chú trọng trong việc nhờ các chuyên gia đầu ngành tư vấn, tham mưu, tập huấn cho nhân viên và cử người đi học tập, tham quan các mô hình khách sạn trong và ngoài nước.

Hiện gần 90% nguồn nhân lực của tập đoàn lấy từ địa phương, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại nơi các khách sạn Mường Thanh có mặt.

Tuy nhiên, cũng không ít khó khăn phải đối mặt. Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm nay, mở cánh cửa lớn trong hội nhập kinh tế khu vực, trong đó ngành du lịch sẽ chịu tác động lớn, nhất là về mặt nguồn nhân lực.

Do đó, tập đoàn một mặt nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên, bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. Chuyên môn hóa tay nghề, đồng bộ với tiêu chuẩn nghề ASEAN để nâng cao tính cạnh tranh trong lao động Việt Nam khi bước ra ngoài thế giới hoặc khi có nguồn lao động từ nước ngoài vào. Mặt khác, Tập đoàn cũng chuẩn bị đón nhận các luồng gió mới, đa dạng hóa nguồn nhân sự để trao đổi, học hỏi và chia sẻ kiến thức và kỹ năng. Sự hội nhập này được đánh giá là cơ hội tốt để Tập đoàn thể hiện đẳng cấp, cũng như sự chuyên nghiệp hóa của mình.

Nguồn: VHA

CÂU LẠC BỘ QUẢN LÝ BUỒNG VIỆT NAM
VIETNAM EXECUTIVE HOUSEKEEPERS ASSOCIATION (VEHA)
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà HCMCC, Số 249A Thuỵ Khuê, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 02422 142 145     Email : office@veha.org.vn         Website: www.veha.org.vn