Vai trò của người quản lý Housekeeping
Vai trò của người quản lý Housekeeping
18/07/2015
Bộ phận Housekeeping (phục vụ phòng) đóng vai trò quan trọng trong mọi khách sạn. Sự sạch sẽ, tươm tất của khách sạn tác động trực tiếp đến doanh thu và khả năng lôi kéo khách quay trở lại, do đó người đứng đầu bộ phận Housekeeeping phải chịu mọi trách nhiệm về công việc này.


Lên danh sách phòng

Bắt đầu vào mỗi ngày làm việc, người quản lý bộ phận Housekeeping phải đăng nhập vào hệ thống máy tính của khách sạn để lấy danh sách các phòng cần dọn dẹp. Trên cơ sở danh sách này, người quản lý sẽ biết cần phân công bao nhiêu nhân viên để thực hiện công việc trong ngày và ước lượng bao nhiêu đồ cần giặt ủi, cần cung cấp bao nhiêu loại đồ dùng trong các phòng ngủ.

Giám sát nhân viên

Khi nhân viên Housekeeping đến nơi làm việc, người quản lý phải phân công công việc cụ thể cho từng người và thường xuyên kiểm tra công việc của họ. Người quản lý cũng phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi (nếu gây lỗi) của nhân viên, cũng như trả lời mọi thắc mắc của họ, nếu có.

Giám sát đồ giặt ủi

Người quản lý giỏi phải biết dự tính những công việc ở phòng giặt ủi, chẳng hạn đồ đó giặt trong bao lâu, cần hóa chất gì, nên giặt kết hợp với loại đồ nào,... để tiết kiệm chi phí cho khách sạn. Người quản lý còn phải biết cách sử dụng máy giặt lớn, máy vắt khô và cả việc khắc phục sự cố phát sinh. Người quản lý phải giám sát và hướng dẫn nhân viên kỹ thuật gấp đồ đã giặt ủi.

Kiểm tra phòng

Người quản lý là người chịu trách nhiệm sau cùng liệu căn phòng đó đủ khả năng đưa vào kinh doanh hay chưa. Vì lý do đó, một khi nhân viên báo phòng đã làm xong, người quản lý phải đích thân kiểm tra xem phòng đã đạt tiêu chuẩn sạch, tươm tất mà khách sạn đề ra, như giường đã làm đúng chưa (sạch và trải drap, chăn đắp, để gối có đúng kỹ thuật), phòng tắm đã đủ khăn, các loại xà phòng…, mọi ngóc ngách có còn chút bụi nào không…

Giao tiếp với nhân viên

Người quản lý Housekeeping không chỉ quản lý bộ phận của mình mà còn phải biết thông tin các chi tiết quan trọng cho bộ phận khác. Vào thời điểm chấm dứt mỗi ca trực, người quản lý Housekeeping phải cập nhật phòng nào đã làm sạch cho bộ phận bán hàng để đưa vào kinh doanh. Người quản lý phải là người đâu tiên thông báo phòng nào phải tính phụ phí đối với khách, như hút thuốc trong phòng cấm hút thuốc hay mang thú cưng vào phòng khi không được phép.

Quản trị nguồn cung

Làm sạch và cung cấp đầy đủ nguồn cung là công việc quan trọng của Housekeeping. Do đó, tại sao người quản lý phải kiểm kê hàng tồn kho hằng ngày để bổ sung và đảm bảo đủ cung ứng. Định kỳ hằng tuần, người quản lý phải kiểm tra tình trạng đồ nội thất, các thiết bị trong phòng ngủ để thay thế và sửa chữa kịp thời nếu có hư hỏng.

Dịch vụ khách hàng

Có khả năng giao tiếp và đánh giá nhu cầu của khách hàng cũng rất quan trọng đối với vị trí quản lý Housekeeping. Bởi vì, người quản lý thay mặt chủ khách sạn giải quyết mọi khiếu nại của khách về tiêu chuẩn dịch vụ cũng như khắc phục và đưa ra đề nghị cải thiện các quy trình dịch vụ. Người quản lý cũng là đầu mối thông tin giữa các giám sát viên, đồng nghiệp và nhân viên, do đó, khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông tốt là rất cần thiết.

Giáo dục và đào tạo

Theo định kỳ, người quản lý phải tiến hành chỉ dẫn, tổ chức các cuộc họp bộ phận Housekeeping. Đây là cách để truyền đạt thông tin mới về chính sách, quy trình làm việc, các chứng chỉ nhân viên cần phải học, chính sách về bồi thường cho khách hàng, và thảo luận cách giải quyết những phàn nàn, khiếu nại của khách.

Nguồn: www.atks.vn

CÂU LẠC BỘ QUẢN LÝ BUỒNG VIỆT NAM
VIETNAM EXECUTIVE HOUSEKEEPERS ASSOCIATION (VEHA)
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà HCMCC, Số 249A Thuỵ Khuê, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 02422 142 145     Email : office@veha.org.vn         Website: www.veha.org.vn