Mái Ấm Thiện Giao – Ngân dài nốt nhạc yêu thương.
CÂU LẠC BỘ BUỒNG HẢI PHÒNG – KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
Trong suốt hành trình hoạt động, Câu lạc bộ quản lý buồng Việt nam (VEHA) đã luôn là cây cầu để kết nối yêu thương giữa các hội viện của CLB, các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh thực sự khó khăn hay kém may mắn để trao cho họ những phần quà thực sự có ý nghĩa và thiết yếu. Là một thành viên của đại gia đình VEHA Việt Nam, Câu lạc bộ Quản lý buồng Hải Phòng luôn coi trọng ý nghĩa thực sự của các chương trình thiện nguyện. Đó là lý do vì sao năm nay chúng tôi chọn “ Trại nấm Thiện Giao” tại xã Ngọc Xuyên, Đồ sơn, Hải Phòng là nơi lan tỏa tấm lòng sẻ chia.
Đến với Trại nấm Thiện Giao mới hiểu rằng, đây không phải là một trung tâm chuyên nuôi dưỡng những người khuyết tật hay những người bị chất độc da cam mà nơi đây là một gia đình với 16 con người khuyết tật – họ là con cháu của các các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam.
Người sáng lập ra trại nấm Thiện Giao là một người phụ nữ nhỏ bé, một nữ thanh niên xung phong tại các chiến trường miền Nam, để rồi khi chiến tranh đã đi xa bà trở về quê hương với nỗi niềm trăn trở về con em của những đồng đội bị nhiễm chất độc dioxin mà gia đình thực sự nghèo không có điều kiện chăm sóc. Bà đã thành lâp nên Trại nấm với mong mỏi bình dị - đón nhận những đứa trẻ đó, dạy cho họ một cái nghề để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng hay có thể nuôi sống được chính bản thân mình.
Bà làm công việc đó một cách thầm lặng và nơi này đã là một gia đình lớn có những lúc lên tới 36 người và một phần trong số đó đã trưởng thành, đã hòa nhập được cộng đồng trở về với mái nhà của họ với một sự tự tin vào một cái nghề để bước tiếp cuộc đời của họ.
Nay bà đã đi xa vì căn bệnh ung thư quái ác những bốn người con trai con dâu của bà, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ vẫn cần mẫn bước tiếp con đường của bà đã chọn. Ở trại nấm công việc vô cùng vất vả ngoài trồng nấm họ phải nuôi gà, nuôi lợn chủ yếu để phục vụ bứa ăn hàng ngày. Toàn bộ công việc từ nuôi trồng, kỹ thuật nấm hay xây dựng sửa sang nhà trại đều dồn lên vai của bốn người. Khi chúng tôi hỏi vì sao họ lại chọn con đường này vì bà đã mất rồi nhưng họ nói “chúng em lớn lên cùng với mẹ, cùng với các anh em khuyết tật và mẹ là người không thích ồn ào không thích phô trương, không muốn dùng nơi này như là nơi quảng cáo để xin từ thiện, mẹ làm vì tâm. Giờ chúng em đã là một gia đình nên không muốn rời xa họ, chúng em cứ làm thôi, cứ bước tiếp với mong ước rằng có tiền chữa bệnh cho một bé câm điếc bẩm sinh năm nay bốn tuổi - con của một cặp vợ chồng khuyết tật hay ít ra cũng đủ tiền cho bé đến trường khuyết tật khi đến tuổi đi học”. Dẫu biết còn nhiều khó khăn những, bốn con người ấy đã mạnh mẽ lựa chọn viết tiếp lên những bản nhạc ấm áp tình người.
Thu nhập của trại nấm không nhiều vì thị trưởng tiêu thụ có nhưng cái khó, họ không có đủ tiền để mở rộng cơ sở sản xuất hay không đủ nhân công để mở rộng mô hình.Trước khi đến trao quà tại Trại nấm chúng tôi đã hỏi qua về nhu cầu của họ vì vậy các phần quà mà CLB Quản lý buồng Hải Phòng mang tới là những sản phẩm vô cùng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.
Rời Trại nấm Thiện Giao chúng tôi cảm nhận nơi đó đúng là một gia đình ấm áp, bao dung nhân hậu với sự nỗ lực không ngừng của những người trẻ tuổi. Chúng tôi tin rằng cuộc đời này vẫn còn rất nhiều trái tim nhân hậu và mỗi người trong chúng ta cố gắng là một cây cầu để lan tỏa, kết nối yêu thương tới những chiếc lá chưa lành, để động viên họ có thêm dũng cảm, tự tin vượt qua chính bản thân mình.
Bài và ảnh: Ms. Nguyễn Thị Liên & hội viên CLB Quản lý Buồng Hải Phòng.