Trao giải quán quân Chiếc Thìa Vàng 2016 cho các đầu bếp Khu Du lịch Bình Quới 1
Từ những nguyên liệu nhận được ở “hộp đen bí mật” gồm: tôm sú, nấm mỡ
Nhật, cá hồi, ức vịt, lá chùm ngây và nha đam, bằng lối ứng biến linh
hoạt, xây dựng thực đơn đậm đà hương vị Việt Nam, trình bày tinh tế và
sang trọng, các đầu bếp Lê Võ Anh Duy (đội trưởng), Lê Thị Ví và Nguyễn
Minh Trí của Khu Du lịch Bình Quới 1 đã xuất sắc vượt qua 14 đội thi
khác, dành số điểm cao nhất tại vòng chung kết Chiếc Thìa Vàng 2016.
Trước đó, đội này cũng từng giành giải nhất hai vòng liên tiếp: Giải
nhất sơ kết khu vực TP.HCM và giải nhất bán kết phía Nam.
Chia sẻ về chặng hành trình tham gia Chiếc Thìa Vàng, đầu bếp Anh Duy
cho biết: "Qua mỗi mùa thi, tôi thấy cuộc thi ngày càng khó hơn, yêu cầu
cao hơn và không gian thi thì khỏi phải nói thêm, quá đầy đủ trang
thiết bị. Điều đó đòi hỏi muốn được đánh giá cao càng phải chăm chút tỉ
mỉ và bản thân mỗi đầu bếp cũng phải chuyên nghiệp hơn. Các đồng nghiệp
của chúng tôi trên cả nước tham gia cuộc thi này cũng ngày càng giỏi
hơn, rất nhiều.
Có sở trường là món Việt và đã chuẩn bị tinh thần trước đó, nên khi bốc
được những nguyên liệu trong hộp đen, chúng tôi đã nhanh chóng bắt tay
lên thực đơn gồm các món ăn Việt, mang hương vị vùng miền, nhưng cũng đã
cân nhắc trình bày sao cho khéo léo, bắt mắt nhất".
Thực đơn 4 món, gồm: Cá hồi cuộn rau rừng xốt tương mè rang đậu phộng -
chả tôm tiêu rừng chấm nước mắm thơm nướng dầm; vịt nướng xốt lá chùm
ngây kèm salad cà pháo - bánh khoai lang tím lá mắc mật - chả bắp vịt lá
sọ chó; bún nấm hải sản Vàm Nao lá chúc; bánh nếp nương trái cây thạch
mứt nha đam phúc bồn tử.
Bàn trưng bày những món ăn giúp đội 16 giành giải quán quân Chiếc Thìa Vàng 2016
Nhiều năm liền tham gia Chiếc Thìa Vàng nhưng qua mỗi vòng thi, các đầu
bếp đại diện thành phố mang tên Bác lại càng phấn khích và nhiệt huyết
hơn khi thực hiện các món ăn. Chia sẻ về bí quyết dẫn dắt thực đơn tại
vòng thi "nguyên liệu bí mật", đội trưởng Anh Duy cho rằng: "Nước chấm,
mà nhất là nước chấm dùng cho món khai vị đóng vai trò đặc biệt quan
trọng trong sự thành công của món ăn cũng như một thực đơn. Vì thế, với
cá nhân anh và cả đội, bao giờ cũng đầu tư rất nhiều cho "chất xúc tác"
này."
Với khai vị cá hồi cuộn rau rừng xốt tương mè rang đậu phộng, anh chế
biến loại nước chấm đặc trưng bằng cách: Dùng nước tương làm chủ đạo,
lấy mè, đậu phộng rang lên cho thơm rồi nấu cùng, điểm thêm ít hạt dổi
Tây Bắc. Còn với chả tôm tiêu rừng chấm nước mắm thơm nướng dầm, anh
dùng thơm nướng lên (canh miếng thơm vừa khô tới), rồi dầm ra, kết hợp
với các loại gia vị nhằm tạo sự kích thích vị giác.
Khai vị: Cá hồi cuộn rau rừng xốt tương mè rang đậu phộng - chả tôm tiêu rừng chấm nước mắm thơm nướng dầm
Còn ở vịt nướng xốt lá chùm ngây kèm salad cà pháo - bánh khoai lang tím
lá mắc mật - chả bắp vịt lá sọ chó, từ lá chùm ngây nhận được, đội 16
không chỉ xay và tẩm ướt với thịt vịt mà còn dùng để làm nước chấm
salad, mục đích để làm “tấm khiên chống ngán” cho các món ở trên. Anh
Duy "đầu tư" cho loại nước chấm đặc biệt bằng cách sử dụng chùm ngây làm
gia vị chính, kết hợp thì là, hành lá, húng lũi, ngò gai tạo màu xanh
đặc trưng - "đây là loại nước chấm mà người Tây Bắc thường dùng vào mùa
Xuân", anh Duy nói thêm.
Vịt nướng xốt lá chùm ngây kèm salad cà pháo - bánh khoai lang tím lá mắc mật - chả bắp vịt lá sọ chó
Sau hành trình tâm huyết "thỉnh" một chút gia vị rẻo cao về với thành
phố lớn, đầu bếp từng tốt nghiệp cử nhân luật lại tiếp tục dẫn thực
khách về với An Giang. Anh cho biết, Ba Tri đã khá nổi tiếng, nên ở vòng
thi này, anh muốn gợi nhớ thêm về Vàm Nao (*) - một địa danh khác của
xứ Bảy Núi, An Giang, nơi nổi tiếng với bún nấm hải sản ngon ngọt, tươi
nguyên. Bún nấm hải sản Vàm Nao lá chúc được thực hiện bằng cách dùng
xương và da cá chiên giòn, sau đó xào kĩ với rượu, cà chua, dùng lá chúc
để nấu nước dùng, sau đó lược lại. Để hoàn thành, bỏ cá vào nấu chung
với một ít lá chúc, giúp lưu được hương thơm phảng phất khi thưởng thức.
Bún nấm hải sản Vàm Nao lá chúc
Khép lại thực đơn, Anh Duy cho biết món tráng miệng được chế biến bằng
cách dùng nha đam (sau khi xử lí) cho vào thạch mứt, có ít bưởi, làm cho
kẹo lên thành thạch. Nếp nương (một loại gạo nếp đặc sản của vùng Tây
Bắc), phối hợp với trái cây gồm xoài, cam, dâu, và một ít vanila, chủ ý
tạo hương vị thơm ngon đặc trưng.
Bánh nếp nương trái cây thạch mứt nha đam phúc bồn tử
“Các bạn có một thực đơn được xây dựng và tính toán kỹ lưỡng. Đó là
những món ăn có sự kết hợp nhiều chiều, từ chay cho đến đa dạng các
hương vị khác. Tôi thích sự kết hợp Tây – Đông trong cách chế biến mỗi
món ăn. Từ nguyên liệu cả Á lẫn Âu nhận được, các bạn đã xuất sắc khi
phối kết và làm bật lên giá trị của các gia vị Việt Nam, điều đó rất thú
vị. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng về loại nước xốt được chế biến từ năm
loại lá mà các bạn giới thiệu.” - giám khảo chuyên môn Paul Le, Giám đốc
Phát triển Thực phẩm và Dịch vụ Ăn uống Tập đoàn bán lẻ Central bày tỏ
ấn tượng về thực đơn của đội 16 ở vòng thi chung kết, diễn ra trước đó
một ngày.
Ngoài ra, bốn giải thưởng quan trọng khác của mùa thi năm nay - bốn giải
á quân cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 lần lượt được trao cho
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (giải Món ăn dinh dưỡng),
Naman Retreat Resort Danang (giải Món ăn trình bày đẹp), Khách sạn
Indochine Palace Huế (giải Món ăn sáng tạo) và Quán Nhi Cần Thơ (giải
Món ăn truyền thống đặc sắc). Trị giá 100 triệu đồng/ giải.
5 đội thi xuất sắc nhất Chiếc Thìa Vàng 2016
Như vậy, sau hơn sáu tháng khởi tranh, trải dài từ Nam chí Bắc, qua ba
vòng sơ tuyển, hai vòng bán kết đầy căng thẳng và trận chung kết nảy
lửa, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 đã xác định được chủ nhân "Giải Oscar
của ngành ẩm thực Việt" và chính thức khép lại. Tất cả dữ liệu của cuộc
thi Chiếc Thìa Vàng mùa thứ tư đi qua, những giới thiệu và đóng góp của
các đầu bếp về gia vị và món ngon Việt, sẽ là những dữ liệu quan trọng
giúp hoàn thiện bản đồ ẩm thực cũng như bản đồ gia vị Việt Nam.
Tại đêm trao giải, đã có những giọt nước mắt mừng vui hạnh phúc, những
nụ cười, những tiếng hò reo mãn nguyện. Cạnh đó, cũng không ít những vẻ
mặt buồn bã tiếc nuối, nhưng khoảnh khắc ấy đã qua rất nhanh. Phút cuối
của mùa thi thứ tư, Chiếc Thìa Vàng chứng kiến thêm nhiều tình bạn mới
được chắp cánh, những cái bắt tay chúc mừng và cả những ôm chằm động
viên khích lệ sẽ mãi đọng lại. Đặc biệt, từ những chia sẻ và nhiều bức
hình kỉ niệm với vị đầu bếp tài danh thế giới - "đầu bếp thế kỷ" Eckart
Witzigmann tại vòng chung kết năm nay, sẽ là những bài học quý giá và là
động lực tiếp thêm lửa nghề, là những kỉ niệm khó quên trong lòng mỗi
đầu bếp chuyên nghiệp Việt Nam.
Nguồn: www.chiecthiavang.com