Cô Lê Hoàng Tú Anh – Giảng viên Bộ môn Tiếp tân khách sạn: Hạnh phúc khi đứng lớp và sẻ chia
Cô Lê Hoàng Tú Anh – Giảng viên Bộ môn Tiếp tân khách sạn: Hạnh phúc khi đứng lớp và sẻ chia
01/09/2016
Cởi mở, năng động, buổi chia sẻ giữa PV và cô Lê Hoàng Tú Anh, giảng viên bộ môn Tiếp tân khách sạn Quốc tế - Trường Quản lý Khách sạn Việt-Úc (VAAC) đã nói nhiều về duyên với nghề tiếp tân khách sạn, những kỹ năng của nghề cũng như những kinh nghiệm dành cho những bạn trẻ có cùng đam mê...


Trải nghiệm mới từ công việc đứng lớp

Cô Tú Anh nhớ lại khoảng thời gian cách đây 2 năm, khi lần đầu tiên đảm nhận công việc mới này với niềm vui vì những trải nghiệm mới: từ một người đi làm thành người chia sẻ những kiến thức về nghề. Nhận được đề nghị bất ngờ từ chị Xuân Quyên, Trưởng phòng Đào tạo của trường: Em cứ dạy thử đi..., thế là cô Tú Anh “dạy thử” - để rồi yêu dần công việc ấy, bởi chính môi trường công việc mới, cô tìm được những người quản lý mà mình trân trọng, được gặp gỡ với những học viên trẻ để truyền lửa nghề cho họ.

Cô bày tỏ: “Thật sự, lúc đó không nghĩ mình trở thành giảng viên”. Nhưng khi đứng lớp rồi thì thấy công việc ở khách sạn hỗ trợ cho việc giảng dạy ở trường rất nhiều và ngược lại - cô chia sẻ, và cho biết thêm: “Mỗi ngày mình làm việc ở quầy tiếp tân đều có những tình huống cần xử lý, chính những lúc như vậy, khi lên lớp tôi lại có câu chuyện sống động để kể cho học viên, chia sẻ cách giải quyết để họ có thêm kỹ năng bỏ túi cho công việc sau này”.

Đối với cô Tú Anh, được chia sẻ về nghề với những người trẻ, yêu thích công việc cùng ngành với mình là một niềm hạnh phúc. Tất nhiên, trong quá trình đứng lớp, cô còn có những niềm vui khác, nhất là với một giảng viên trẻ như cô. Đó là khi học viên trân trọng xem mình là... một người chị, với ý nghĩa: cô không phải là giảng viên của em mà quan trọng hơn, cô là một người chị của em. Đó là khi, lần đầu tiên nhận được bó hoa tươi thắm cùng lời chúc của những học viên nhân ngày 20-11, điều mà... trước đây, cô Anh vẫn thường làm với thầy cô của mình.

Niềm vui, nỗi buồn trong nghề có nhiều. Nghề nào cũng có vui buồn riêng. Nhưng với cô, chỉ cần mình có tình yêu nghề là mình sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẽ có thể xử lý được tất cả những tình huống... khó đỡ để trụ lại. Tất nhiên, công việc đứng lớp không đến mức phải như vậy, thậm chí ngược lại, “ở Việt-Úc, tôi được nhận cơ hội tốt, nên sẽ gắn bó với nơi này, cũng như sẽ hoàn toàn tự tin nói với học viên của mình - hãy gắn bó với công việc mà họ chọn nếu họ thật yêu công việc ấy, mong muốn làm một tiếp tân giỏi...”.



Nghề dạy nghề

Xuất phát điểm của cô Tú Anh không phải từ ngành nhà hàng - khách sạn, mà là quản trị kinh doanh. Học tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit), cô Anh cho biết, ra trường không nghĩ mình sẽ làm công việc hiện tại, nhưng mọi thứ do nhân duyên đưa đẩy. Tình cờ, có một người bạn giới thiệu, ở khách sạn New World Saigon có tuyển nhân viên, thế là dự tuyển và được tuyển.

Được nhận vào và được đào tạo về chuyên ngành tiếp tân, trưởng thành qua nhiều thử thách cũng như cọ xát với thực tế, cho đến khi đứng lớp giảng dạy tại VAAC trong 2 năm qua, theo cô Tú Anh đó là một-hành-trình-dài với nhiều nỗ lực.

Cô cho biết, khi vào bất kỳ môi trường làm việc mới nào (khách sạn - NV) bạn cũng sẽ được nơi đó đào tạo theo quy chuẩn của họ. Tất nhiên, nếu đã học chuyên ngành khách sạn - nhà hàng từ trước thì việc tiếp thu sẽ nhanh hơn. “Cũng may, Tú Anh là người tiếp thu nhanh”, cô mỉm cười, hóm hỉnh chia sẻ về bước đầu vào nghề.

Rồi cô nói, đối với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn (gọi chung là ngành dịch vụ) thì bạn cần trang bị kỹ năng mềm thật nhiều, trong đó có kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ. “Nếu có từ 2-3 ngoại ngữ trở lên thì cơ hội của bạn sẽ càng cao”, cô khẳng định.

Làm ngành này, người làm sẽ được trui rèn rất nhiều về bản lĩnh ứng xử trước những tình huống mà bản thân có thể chưa bao giờ nghĩ tới như bị khách mắng do nóng tính, không cần phân biệt đúng sai... “Lúc đó mình phải bình tĩnh, luôn giữ tâm thế lắng nghe, từ tốn giải thích để khách hiểu”, cô Tú Anh chia sẻ. Lấy suy nghĩ tích cực để đối trị những tình huống thường gặp không hay như vừa kể chính là phương pháp mà cô học được sau nhiều năm sống với nghề - như là lắng nghe để thấy phía sau phản ứng vô lý của khách có khi bắt nguồn từ việc họ đang gặp khó khăn nào đó, họ đang nôn nóng.

Chính vì suy nghĩ đó nên có những lúc, cô Anh nhận về “món quà” - vỡ òa hạnh phúc vì có người sau khi nổi nóng với mình đã tìm tới xin lỗi. Niềm hạnh phúc không chỉ dừng lại ở đó, mà còn là... “làm nghề này, bạn sẽ có rất nhiều bạn bè, học hỏi được rất nhiều cái hay từ những người khách của mình, bởi họ xuất thân từ nhiều vùng miền, quốc gia, đa ngành nghề”.

Công việc tiếp tân rất thú vị, nói như cô Tú Anh, nhìn bề ngoài rất sang trọng, ai nhìn cũng thích, nhưng cũng có những nốt lặng trong nghề như thời gian thất thường, phải đối mặt với nhiều vấn đề hàng ngày như đã kể, nhất là khi có gia đình - bắt buộc phải chuyển công việc thích hợp nhằm đảm bảo “trong ấm ngoài êm”...

Tất cả những điều đó, ai chọn nghề phải biết rõ để có những hướng đi thích hợp, nhưng cũng may là, đối với một tiếp tân làm ở một khách sạn lớn, khi không muốn làm tiếp tân nữa vẫn có thể làm nhân viên kinh doanh ở chính nơi mình làm (điều không xảy ra tương tự đối với nhân viên kinh doanh).

Sau cuộc trò chuyện, chia tay trong buổi chiều muộn, chúng tôi vẫn tâm đắc với điều cô Tú Anh chia sẻ, đó là chỉ cần bạn có tình yêu, luôn nỗ lực thì chắc chắn bạn sẽ thành công. Tuổi còn trẻ, bạn cứ thử sức mình, đừng ngại vì dù là thất bại hay thành công thì bạn cũng không hối tiếc, bởi ngay khi làm việc ấy bạn đã học được rất nhiều thứ. Và rằng, đại học không phải là con đường duy nhất đưa bạn đến thành công, nếu chọn đúng nghề và học đến nơi đến chốn cái nghề mà mình chọn thì bạn vẫn có thể đứng trên vinh quang...

CÂU LẠC BỘ QUẢN LÝ BUỒNG VIỆT NAM
VIETNAM EXECUTIVE HOUSEKEEPERS ASSOCIATION (VEHA)
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà HCMCC, Số 249A Thuỵ Khuê, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 02422 142 145     Email : office@veha.org.vn         Website: www.veha.org.vn